Đức nhẫn nại của Vị Đạo Sĩ

Đức nhẫn nại của Vị Đạo Sĩ

Trong lúc quá khứ, Đức Bồ Tát sinh vào dòng Bà La Môn tên Cung Đa (Kunda) tại kinh đô Bàrànasì. Ngài xuất gia làm đạo sĩ ở tại rừng tuyết lãnh rất lâu. Ngày nọ Ngài về thành Bàrànasì ở tại vườn Thượng Uyển. Lúc ấy đức vua Bàrànasì tên Kha Lạc Phu (Kalapu) uống rượu say, dẫn phi tần vào vườn Thượng Uyển chơi, vì say nên Ngài ngủ quên tại vườn Thượng Uyển. Các phi tần thấy nhà vua đã an giấc rủ nhau đi chơi, gặp vị Đạo sĩ đang ngồi dưới cội cây dừng bèn đến làm lễ Ngài, xong rồi ngồi nghe Ngài thuyết pháp.

Khi đức vua tỉnh rượu thức dậy không thấy một phi tần nào hầu Ngài cả, nổi giận, Vua xách gươm đi kiếm. Khi ấy có một bà vương phi mà đức vua yêu nhất giựt gươm, can gián nhưng nhà vua đang tức giận không nghe.

Khi Vua đi đến cội dừng, thấy vị Đạo Sĩ đang ngồi thuyết pháp hỏi:

    Này thầy Sa Môn, người hằng dạy người đời những gì?

    Tâu Đại Vương, bần đạo hằng dạy về sự nhẫn nại.

    Nhẫn nại là gì?

    Nhẫn nại là sự không sân hận trong khi kẻ khác chửi mắng đánh đập, khinh bỉ mình.

    Nếu vậy, ta sẽ trông thấy người có nhẫn nại hay là không. Rồi đức vua truyền:

    Giám sát ngươi hãy đè vị Đạo Sĩ này xuống, hãy đánh khắp châu thân ba ngàn roi cho trẫm.

Giám sát tuân lịnh làm y lời. Rồi đức vua hỏi:

    Ngươi hằng dạy những gì?

    Tâu Đại Vương, bần đạo hằng dạy về nhẫn nại. Có lẽ Đại Vương tưởng rằng: Nhẫn nại ở theo da bần đạo chăng? Nhẫn nại không ở theo da bần đạo đâu, mà ở trong thâm tâm của bần đạo.
    Các người hãy chặt tay và chân của vị Đạo Sĩ này cho trẫm.

Sau khi chặt tay và chặt chân xong, đức vua hỏi như lần trước.

Ngài Đạo Sĩ tâu rằng:

    Tâu Đại Vương, bần đạo hằng dạy về nhẫn nại. Đại Vương tưởng rằng: nhẫn nại ở theo tay chân của bần đạo chăng? Nhẫn nại không ở theo tay chân đâu?

Đức Vua bèn truyền lệnh:

    Các ngươi hãy lắt tai, xẻo mũi, và móc mắt tên Đạo Sĩ này cho ta.

Sau khi làm xong việc ác quá tay. Đức Vua lại hỏi như câu vừa rồi. Vị Đạo Sĩ cũng trả lời như trước, Nhà Vua tức giận vô cùng, mới nện gót chân lên ngực vị Đạo Sĩ rồi bỏ ra đi.

Mặt quả địa cầu chịu nổi sức nặng của núi Tuyết Lãnh, nhưng không chở nổi tội lỗi của nhà Vua đã làm nên nứt ra thành một hố sâu. Đức Vua bị sụp đất chết, sinh vào địa ngục tên là A Tỳ (Aveci).

Sau khi Đức Vua ra đi, có một vị đại thần vào lau máu cho Ngài Đạo Sĩ và nói:

    Bạch Ngài! nếu Ngài có giận thì Ngài giận nhà vua làm hại Ngài, xin đừng giận chúng tôi.

Vị Đạo Sĩ đáp:


    Nhà vua nào truyền chặt tay chân, cắt tai, cắt mũi và móc mắt ta, ta xin nhà vua ấy được sống lâu, hạnh phúc. Vì người như ta không bao giờ biết giận.

Hạnh của đấng cao cả, mặc dù đã qua lâu nhưng vẫn còn lưu lại hương lành.

Ta hãy nhớ gương của Ngài và hành theo đức nhẫn nại ấy. Người biết ta có tu hay không là biết trong khi gặp trường hợp phải sân hận, tham lam. Nếu ta nhịn chịu được mới gọi là người có tu, hay là tu đến bực nào. Nếu muốn tu phép nhẫn nại thì luôn nhớ rằng:

Những trường hợp nào làm cho ta lung lạc, đó là những chuyện thử thách lòng ta, coi ta tu đến mức nào, ta phải dùng nhẫn nại để thắng những điều ấy. Nếu ta có đủ lòng nhẫn nại là có vũ khí thắng những kẻ hung ác.

Xem thêm:

Xem thêm: